Phương tiện giao thông sử dụng năng lượng hóa thạch (các sản phẩm từ dầu mỏ như xăng, dầu diezel) là nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Trước tình hình này thì Chính phủ cũng như Bộ GTVT đang có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện điện, tuy nhiên có nhiều khó khăn và hạn chế.
Ưu điểm của phương tiện GTVT sử dụng điện:
Không phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường: Đây là ưu điểm hàng đầu của xe điện và làm nó trở thành phương tiện giao thông trong tương lại của nhiều quốc gia trên thế giới.
Xe điện là loại phương tiện giao thông không phát ra khí thải. Với tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu ngày càng lớn, xe điện sẽ góp phần đảm bảo một môi trường sạch hơn và tạo ra một thế giới ít ô nhiễm hơn cho các thế hệ tương lai.
Về tiêu thụ năng lượng thì xe điện có ưu điểm vượt trội hởn hẳn xe xăng, hiệu quả tiêu thụ năng lượng thấp, hiệu quả kinh tế cao.
Xe điện gia tốc nhanh hơn, chạy êm hơn, phát nhiệt ít và hầu như không gây ô nhiễm tiếng ồn so với các loại động cơ nhiệt. Động cơ điện có hiệu suất rất cao trên 70% năng lượng điện được chuyển hóa hoàn toàn thành cơ năng hơn hẳn hiệu suất của động cơ nhiệt (khoảng 30%), có kết cấu đơn giản không phức tạp như động cơ đốt trong, việc điều khiển động cơ điện cũng đơn giản hơn động cơ nhiệt rất nhiều. Tất cả những điều đó làm cho động cơ điện có giá thành rẻ hơn và thân thiện với môi trường hơn nhiều so với động cơ nhiệt truyền thống.
Nhược điểm của phương tiện GTVT sử dụng điện:
Vấn đề chính lớn nhất của xe điện hiện nay tại Việt Nam là phạm vi hoạt động và hệ thống hạ tầng trạm sạc điện chưa được bố trí đầy đủ nhất là tại các tỉnh thành, ngay cả tại các thành phố lớn cũng đang thiếu rất nhiều vị trí để có thể bố trí trạm sạc, đây là một thách thức lớn cho các hãng sản xuất xe điện cũng như của Chính phủ nếu muốn thúc đẩy mạnh mẽ cần phải có hạ tầng trạm sạc tương xứng. Các hãng sản xuất xe điện đang dùng các chuẩn sạc khác nhau, có phần mềm quản lý riêng và không cho phép sạc lẫn nhau, việc này xuất phát từ việc đầu tư hạ tầng sạc, hãng nào đầu tư thì chỉ cho xe của hãng đó có thể sử dụng, để thay đổi vấn đề này thì Chính phủ buộc phải có quy định rõ ràng về việc chia sẻ hạ tầng trạm sạc giữa các hãng xe.
AN TOÀN CHÁY NỔ là nguyên nhân đáng lo ngại nhất đối với người dử dụng cả ô tô và xe máy điện, chập cháy điện do nhiều nguyên nhân khác nhau là mối lo thường trực hiện hữu. Theo thống kê có rất nhiều vụ cháy trên thế giới đã xảy ra đối với xe điện mặc dù tỷ lệ xe điện so với xe sử dụng động cơ nhiệt truyền thống là chưa cao (khoảng 5% tính trên toàn thế giới) nhưng số vụ cháy xảy ra đối với xe điện hiện đang cao hơn. Tại Việt Nam gần đây có mốt số vụ cháy theo kết luận ban đầu là có liên quan tới xe điện gây thiệt hại lớn về người và tài sản gây hoang mang trong dư luận, ngay sau đó có rất nhiều các hàng động tiêu cực đối với xe điện như không được sạc ban đêm, không được để trong nhà, hầm để xe… Trước tình trạng đó câu hỏi đặt ra ra sử dụng xe điện liệu có an toàn??? Xét về an toàn chủ động, an toàn bị động trên xe thì không khác gì so với xe xăng, tuy nhiên khác nhau về hệ thống lưu trữ năng lượng, xe điện lưu trữ năng lượng dưới dạng các phản ứng hóa học tại các điện cực catot và anot sinh ra điện năng và chuyển đổi thành cơ năng, các phản ứng hóa học này khi có sự cố sẽ gây ra mất kiểm soát và dẫn tới cháy nổ, các đám cháy dạng này rất khó dập và các công cụ cứu hỏa thông thường hiện tại gần như vô hiệu.
Bộ GTVT đề xuất các chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng điện
Đề xuất khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, Bộ GTVT kiến nghị 3 loại xe ô tô điện được hưởng hỗ trợ, ưu đãi phát triển gồm: xe ô tô điện chạy pin, xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu và xe ô tô năng lượng mặt trời.
Đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp, Bộ GTVT kiến nghị, rà soát, bổ sung các chính sách ưu tiên phát triển xe ô tô điện (đặc biệt là phương tiện giao thông công cộng) trong các Luật liên quan. Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành các quy định nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu để hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý pin ô tô điện thải bỏ.
Cùng với bổ sung ngành nghề sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, sản xuất pin vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện. Miễn, giảm thuế nhập khẩu trang thiết bị, dây chuyền và nhập khẩu tổng thành, linh kiện để sản xuất lắp ráp xe ô tô điện, pin xe điện.
Đối với doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, bảo dưỡng xe ô tô điện, Bộ GTVT đề xuất có cơ chế ưu đãi tiếp cận tài chính, tín dụng cho đối tượng này và ưu tiên tiếp cận, chuyển giao công nghệ sản xuất lắp ráp xe ô tô điện. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi thuế xe ô tô điện nhập khẩu.
Liên quan đến cơ chế ưu đãi cho người sử dụng, Bộ GTVT đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với xe ô tô điện. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe ô tô điện. Đồng thời, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định mua sắm, sử dụng ô tô điện khi sử dụng nguồn vốn công.
Khẳng định cần có cơ chế thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT cũng đề xuất ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện. Tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe ô tô điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, vùng lõi đô thị; ưu tiên đỗ xe (chỗ, giá), giờ cao điểm.
Đối với phát triển hạ tầng trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất ban hành các Quy chuẩn về trạm sạc điện, chuẩn kết nối trạm sạc phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ sạc quốc tế. Quy định hệ thống trạm sạc điện trong hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ sở hạ tầng đầu tư mới, cơ sở hạ tầng cải tạo.
Cùng đó, cho phép xây dựng trạm sạc điện công cộng trên các công trình có mục đích sử dụng đất như hiện tại mà không cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm sạc. Nghiên cứu việc miễn giấy phép xây dựng và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi lắp đặt trạm sạc và ưu tiên cấp điện cho hạ tầng trạm sạc điện công cộng.
Cũng liên quan đến phát triển trạm sạc, Bộ GTVT đề xuất ưu đãi đầu tư, hỗ trợ lãi suất vốn vay sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị, linh kiện để xây dựng hạ tầng trạm sạc, trụ sạc, đặc biệt là trụ sạc nhanh. Miễn thuế nhập khẩu máy móc linh kiện và ưu đãi giá bán điện, ưu tiên cung cấp nguồn điện để phục vụ cho hệ thống trạm sạc điện công cộng. Ưu đãi tiền thuê đất, tiếp cận quỹ, miễn, giảm thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trạm sạc điện.
Đáng chú ý, theo Bộ GTVT cho biết, nhiều doanh nghiệp đề xuất tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện sản xuất lắp ráp trong nước. Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo.
Đối với phí trước bạ, miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong 2 năm tiếp theo (từ 1/3/2027), lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo.
Trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua xe ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện khoảng 1.000 USD/xe.
Miễn thuế nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp đặt trạm sạc điện và miễn thuế đất trong 5 năm đầu, giảm 50% trong 5 năm tiếp theo. Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu và giảm 50% cho 5 năm tiếp theo. Ưu đãi giá bán điện bằng giá điện phục vụ sản xuất.